Sở Công thương đề xuất 188 tỷ đồng để đầu tư hệ thống điện mặt trời ở 157 trụ sở công trên địa bàn với tổng công suất gần 9.400 kWp.
Nội dung này được Sở Công thương đề cập trong tờ trình Về phê duyệt đề án mở rộng thí điểm đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở công trên địa bàn vừa gửi UBND TP HCM.
Trong 157 trụ sở có 107 toà nhà của sở ngành, quận huyện và các đơn vị trực thuộc; 15 bệnh viện công và 35 trường học công. Đề án dùng vốn ngân sách, nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Theo tính toán của Sở Công thương, chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà bình quân hiện khoảng 15-25 triệu/1 kWp. Thời gian thu hồi vốn khoảng 5-9 năm. Chẳng hạn một trụ sở diện tích 200 m2, công suất có thể lắp tối đa là 25 kWp, vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Mỗi năm ước sản xuất được 36.500 kWh, tương đương số tiền khoảng 69 triệu đồng. Với giá điện cơ quan hành chính sự nghiệp là 1.902 đồng mỗi kg, đơn vị sẽ cần hơn 7 năm để thu hồi vốn.
Đơn vị lập đề án cho hay, lượng điện tiêu thụ tại TP HCM chiếm 15% cả nước và tăng bình quân 7% mỗi năm trong giai đoạn 2013-2019. Việc đầu tư hệ thống điện mặt trời tại các trụ sở công ở địa bàn là cần thiết, góp phần giảm áp lực về nguồn điện, đồng thời giúp giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2…
Thời gian qua, TP HCM đã thí điểm lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại nhiều trụ sởcông như UBND các quận Phú Nhuận, 4, 8, 10, 12… và được đánh giá hiệu quả, tiết kiệm chi phí, giúp bảo vệ môi trường.
Theo Tổng công ty Điện lực TP HCM, từ năm 2013 đến nay, công suất lắp điện mặt trời mái nhà nối lưới trên địa bàn tăng nhanh qua từng năm. Lũy kế đến năm 2020, toàn thành phố có gần 14.300 công trình điện mặt trời với tổng công suất hơn 365 MWh. Để lắp đặt điện mặt trời ở toàn bộ trụ sở bệnh viện, trường học, UBND quận, huyện ở TP HCM cần khoảng 3.000 tỷ đồng.
Hữu Công
Nguồn: https://vnexpress.net/de-xuat-188-ty-dong-lap-dien-mat-troi-o-tru-so-cong-4284398.html